Chưa được phân loại

A/B Testing là gì? Hướng dẫn cách thực hiện A/B Testing

A/B Testing là gì? Triển khai A/B testing như thế nào? Khi bạn lên kế hoạch xây dựng landing page, hoặc viết email content marketing hay thiết kế nút CTA, mục tiêu quan trọng nhất mà bạn đang hướng đến đó là có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất từ người dùng.

Tuy nhiên, chúng ta thường hay áp đặt suy nghĩ và cảm tính của mình lên khi thiết lập các chiến dịch tiếp thị. Điều này có thể gây ra những tác động không tốt và ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả chung bởi nhu cầu và mong muốn của khách hàng thường sẽ rất khác xa so với những gì mà bạn đang tưởng tượng. Đó là lý do những bài test A/B lại trở nên quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp đến vậy.

Nhưng A/B testing có thể rất phức tạp với đại đa số những người mới lần đầu thực hiện cho mình các chiến dịch marketing. Nếu như bạn không làm cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể thực hiện các phép thử sai với kết quả là tỷ lệ chuyển đổi không đạt như kỳ vọng mà bạn mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được cho mình cái nhìn tổng quan hơn về A/B Testing

Đầu tiên, bạn cần phải lưu ý: Để chạy bài kiểm tra A/B, bạn cần tạo ra 2 phiên bản content với sự thay đổi chỉ xuất hiện ở một biến duy nhất. Sự thay đổi này có thể đến từ màu sắc của nút CTA, thang điều hướng, nội dung trong phần landing page,… Sau đó, bạn chạy đồng thời cùng lúc cả 2 phiên bản trong một khoảng thời gian nhất định. Đó chính là cách hiểu đơn giản về quy trình chạy A/B Testing.

1. A/B Testing là gì?

A/B Testing giúp các marketer có thể dễ dàng quan sát và thử nghiệm những nội dung mới xem sự thay đổi của một nội dung marketing tác động như thế nào tới tỷ lệ chuyển đổi của người dùng (Conversion rate, hay còn được gọi là CTR). Từ đó, các nhà quản trị có thể dễ dàng đưa ra các đề xuất và quyết định có nên áp dụng những sự thay đổi này vào thực tiễn hay không.

su-quan-trong-cua-ab-testing

Thông thường, các marketer thực hiện các bài kiểm tra A/B dưới 2 dạng:

Dạng 1: Test trải nghiệm khách hàng (UX Test)

Có khi nào bạn nghĩ tới việc đặt nút CTA ở phần đầu trang và xem kết quả mà nó đem lại tỷ lệ chuyển đổi cao hơn khi đặt ở cuối trang hay không?

Để trả lời câu hỏi này, bạn chỉ còn cách sử dụng bài test A/B để kiểm tra. Trong trường hợp này, phiên bản web có nút CTA đặt sẵn ở cuối trang là phiên bản A (hay còn gọi là phiên bản Control). Phiên bản thử nghiệm còn lại (nút CTA đặt ở đầu trang) là phiên bản B (còn có tên gọi khác là phiên bản Challenger).

a-b-testing-la-gi

Sau đó, bạn thực hiện test bằng cách cho người dùng trải nghiệm cả 2 phiên bản trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Bài test thành công khi có số lượng phần trăm khách ghé thăm tương đương nhau, trong một khoảng thời gian đủ dài để các số liệu có thể đo lường được không phải là ngẫu nhiên.

Dạng 2: Test thiết kế

Khi bạn băn khoăn không biết nên chọn màu đỏ hay màu xanh cho nút CTA ở trang landing page, đó là lúc A/B Testing lên tiếng

Bạn thực hiện bài test với 2 phiên bản khác nhau: Phiên bản 1 với nút CTA có màu sắc hiện tại mà bạn đang dùng cho trang landing page của mình (trong trường hợp này sẽ là màu đỏ). Phiên bản thứ 2 là nút CTA với màu sắc khác so với phiên bản 1 ( có thể là màu xanh). Sau đó bạn cho chạy cùng một lúc cả 2 phiên bản để tính toán xem số lượt chuyển đổi từ người dùng.

website-ab-testing

Đó chính là cách mà các nhà quản trị test liên quan tới khía cạnh thiết kế trực quan của một nội dung digital.

2. Lợi ích của A/B Testing

A/B Testing đem lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nói chung cũng như cho team Marketing nói riêng. Dưới đây sẽ là những điều bạn chắc chắn nhận được khi áp dụng thành công những dữ liệu thu thập được từ bài test A/B:

Tăng lượng traffic:

Bài test A/B có thể làm tăng số lượng người dùng truy cập từ một trang blog/landing page nào đó đến trang đích mà bạn muốn khách hàng lưu tới.

Tăng tỷ lệ chuyển đổi:

Mục tiêu hàng đầu của các bài A/B Testing là khiến khách hàng của mình click vào nút “Mua hàng”, điền form, gọi điện,… Rất nhiều những trường hợp, chỉ vì doanh nghiệp thay đổi màu sắc của một nút CTA mà số lượng đơn đặt hàng sản phẩm của khách hàng tăng vọt.

Giảm tỷ lệ thoát:

Những trải nghiệm tồi tệ có thể khiến khách hàng của bạn rời khỏi trang web và tìm kiếm nguồn thông tin mới. Bài test A/B có thể giúp bạn tìm hiểu được nguyên nhân của vấn đề và hạn chế tỷ lệ thoát trên website.

Giảm tỷ lệ “bỏ rơi” giỏ hàng:

Thông thường trên các trang thương mại điện tử có từ 40 – 75% khách hàng thêm hàng vào giỏ nhưng lại không xúc tiến bất kỳ hoạt động thanh toán nào. Bài test A/B sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân của vấn đề này.

Trong phần tiếp theo, hãy tìm hiểu cách thức thiết lập và đo lường dữ liệu từ một bài test A/B cơ bản.

3. Các bước thực hiện A/B Testing

Bước 1: Lựa chọn biến để thử nghiệm

Khi bạn thực hiện việc tối ưu hóa chuyển đổi, có rất nhiều biến thể mà bạn có thể lựa chọn trên website hoặc email như nút CTA, content hay thanh điều hướng. Tuy nhiên, để có thể đo lường chính xác được tác động của những sự thay đổi này, bạn chỉ nên test với một biến thể duy nhất. Việc thử nghiệm quá nhiều biến cùng một lúc có thể khiến bạn bị “nhiễu loạn” khi đo lường và rút ra kết luận từ dữ liệu thu về.

Khi đưa ra quyết định chọn biến, bạn nên đặt ra những giả thuyết cho việc nâng cao tỷ lệ chuyển đổi. Nó có thể đến từ rất nhiều khía cạnh trực quan khác nhau (bố cục page, cách sắp xếp các thành tố, màu sắc, hiệu ứng,..) hoặc tới từ vấn đề nội dung (lời kêu gọi, tiêu đề, heading,…).

lua-chon-bien-de-thuc-hien-ab-testing

Xin bạn hãy nhớ rằng: Đôi khi một sự thay đổi nhỏ cũng có thể tạo bước ngoặt lớn cho tỷ lệ chuyển đổi. Lấy ví dụ như trường hợp của 37Signals. Sau khi quyết định sử dụng những hình ảnh có sự xuất hiện của những diễn viên nổi tiếng (thay vì hình ảnh sản phẩm đơn thuần). Kết quả là CR của website công ty đã tăng tới 102,5% – một con số không tưởng!

Vị trí đặt nút CTA cũng có thể quyết định đến tỷ lệ chuyển đổi của website. Hãy thử nhìn case study của Nature Air, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hàng không. Sau khi di chuyển vị trí đặt nút kêu gọi, CR của website công ty đã tăng vọt từ 2,78% lên đến 19% (tỷ lệ tăng trưởng CR lên tới 591%).

Bước 2: Xác định mục tiêu và thiết lập các phiên bản thử nghiệm

Việc xác định chính xác mục tiêu giúp bạn vạch ra cho mình hướng đi phù hợp để quan sát và theo dõi dữ liệu trong quá trình thử nghiệm.

thiet-lap-cac-phien-ban-thu-nghiem

Khi bạn đã có trong tay những biến thể chất lượng, bạn cần thiết lập các phiên bản thử nghiệm khác nhau để kiểm chứng tính hiệu quả của các biến thể trong hoạt động chuyển đổi. Bạn hãy ghi nhớ: Tạo một phiên bản khác không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ thay thế hoàn toàn phiên bản sẵn có. Bạn cần phải chạy đồng thời và song song 2 phiên bản này cùng một lúc.

Bước 3: Lựa chọn đối tượng tham gia thử nghiệm

Khi thực hiện A/B Testing, bạn cần chia đều đối tượng trải nghiệm cả 2 phiên bản thử nghiệm. Điều này có nghĩa: Tỷ lệ người dùng phiên bản A phải tương đương hoặc ngang bằng người dùng phiên bản B.

Tất nhiên, số lượng người tham gia thử nghiệm ở cả 2 phiên bản phải đủ lớn để số liệu bạn thu về khách quan và có nghĩa.

Bước 4: Xác định phiên bản “thắng cuộc”

Một khi bạn đã có trong tay dữ liệu, bạn cần phải đặt ra những chỉ số cần thiết để xác định phiên bản thử nghiệm “thắng cuộc”.

xac-dinh-phien-ban-thang-cuoc

Thời gian chạy thử nghiệm cũng đóng một vai trò quan trọng. Thời gian chạy quá ngắn có thể khiến kết quả thu về không đáng tin cậy. Thời gian quá dài sẽ khiến bạn lãng phí tiền của và ngân sách của doanh nghiệp.

Bước 5: Thu nhận feedback từ người dùng

Mặc dù việc thu thập dữ liệu từ bài thử nghiệm đơn thuần là các thông số mang tính định lượng (như tỷ lệ click, tỷ lệ chuyển đổi, time on site,…), bạn cũng nên quan tâm tới những khía cạnh định tính khác như: Feedback của người dùng về trải nghiệm của họ trên từng phiên bản.

Chẳng hạn, bạn cũng cần những thông tin như: Tại sao người dùng lại click vào nút CTA trên landing page? Nếu không, có điểm gì trên website của bạn cần phải cải thiện để nâng cao trải nghiệm của người dùng?

Bước 6: Sau khi thực hiện A/B Testing

Sau khi đã thực hiện xong bài kiểm tra, bạn cần phải áp dụng ngay cho website của mình phiên bản thắng cuộc đối với toàn bộ đối tượng người truy cập website hoặc người đọc mail.

sau-khi-thuc-hien-ab-testing

Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm dừng cuối cùng. Có rất nhiều trường hợp bài test A/B cho ra kết quả tích cực, nhưng khi được áp dụng vào thực tế lại thất bại. Một phần lớn lý do cho vấn đề này xuất phát từ việc người quản trị viên quá vô vàng trong việc kết luận phiên bản dành chiến thắng, lý do khác tới từ những sai lầm trong quá trình triển khai bài kiểm tra.

Đó cũng là lý do vì sao bạn cần phải theo dõi sát sao các biến động của phiên bản website/email mới. Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để thực hiện bài kiểm tra A/B mới trong trường hợp phiên bản thắng cuộc không đem lại hiệu quả chuyển đổi tốt như bạn đã dự tính.

Một số lưu ý khi triển khai A/B Testing

Xác định chính xác được mục tiêu mà bạn mong muốn trước khi triển khai A/B Testing sẽ giúp bạn lựa chọn đúng biến thử nghiệm, thu thập dữ liệu có nghĩa và bắt ‘đúng bệnh” giúp tăng trưởng tối đa tỷ lệ chuyển đổi.

Xác định thời gian đủ lâu để chạy A/B Testing nhằm thu về kết quả có tính khách quan và đáng tin cậy.

Kết luận

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn có được cho mình cái nhìn tổng quan hơn về A/B Testing.

Chúc bạn thành công!

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết trên của VIDCOGROUP mọi ý kiến và thắc mắc vui lòng để lại dưới phần Comment.

Có thể bạn quan tâm:

Author

nguyendaihai